Thuế giá trị gia tăng là gì? Trường hợp nào được hoàn thuế?

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế tiêu dùng, được đặt ra nhằm động viên một phần thu nhập của người chịu thuế đã sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ. Khoản thuế này có lẽ không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng hiểu đủ và hiểu đúng về quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Thuế giá trị gia tăng là gì?

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. (Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng).

Thuế Vat Là Gì? Chi Tiết Các Khái Niệm Thuế Gtgt Và Các Quy Định Có

Thuế GTGT còn được gọi là thuế VAT

Mặt hàng nào phải chịu thuế giá trị gia tăng?

Theo Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế bao gồm các hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài).

Hiện có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%.

  • Mức thuế suất 0%: được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu,
  • Mức thuế suất 5% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng; Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản; Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa;….
  • Mức thuế suất 10%: Các mặt hàng không áp dụng thuế suất 0% và 5%.

Các mặt hàng không phải chịu thuế giá trị gia tăng

Tuy nhiên, những mặt hàng sau đây thì không phải chịu thuế, bao gồm:

– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

– Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

– Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

– Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).

– Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.

– Chuyển quyền sử dụng đất.

– Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.

– Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, có thể kể đến một số ví dụ điển hình như: dịch vụ cấp tín dụng, môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, chuyển nhượng vốn, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ

– Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; Dịch vụ bưu chính, viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam (chiều đến).

– Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.

– Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

– Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.

– Phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

– Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

– Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông.

– Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

– Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

– Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.

–  Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.

– Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.

– Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh.

– Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống.

Quy định chi tiết về  trường hợp không chịu thuế giá trị gia tăng tại Điều 4 Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BTC.

Những ai phải nộp thuế giá trị gia tăng? Cách tính thuế như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, các nhà sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ là người nộp thuế. Quy định cụ thể chi tiết về người nộp thuế được nêu rõ tại Điều 3 Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BTC. 

Cách tính thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp theo 2 phương pháp

Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BTC 

Hiện pháp luật quy định 2 cách tính thuế giá trị gia tăng, bao gồm phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. 

– Phương pháp khấu trừ được tính toán theo công thức sau đây:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

– Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập (trừ một số trường hợp).

Hoàn thuế giá trị gia tăng là gì? Những đối tượng nào được hoàn thuế?

Khái niệm hoàn thuế GTGT

Hoàn thuế GTGT là việc cơ quan thuế ra quyết định trả lại số tiền thuế GTGT đã nộp vượt quá của chủ thể nộp thuế.

Các trường hợp hoàn thuế GTGT

Các trường hợp hoàn thuế được quy định tại Điều 18 Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BTC. 

– Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

– Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp hướng dẫn tại Điểm c Khoản 3 Điều này. Trường hợp, nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.

– Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.

– Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

– Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

– Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.

– Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

– Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Việc hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh.

– Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, quyền được hoàn thế là lợi ích của doanh nghiệp. Các chủ thể đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng tới cơ quan quản lý thuế.

Kết luận

Bài viết đã cung cấp các thông tin cơ bản xoay quanh thuế giá trị gia tăng, bao gồm khái niệm, các mặt hàng phải chịu thuế giá trị gia tăng, các mặt hàng được miễn thuế, đối tượng nộp thuế, phương pháp tính thuế và các trường hợp được hoàn thuế. Để được giải đáp chi tiết hơn về thuế giá trị gia tăng, hãy liên hệ với Công ty Siolaw để được chuyên gia hỗ trợ nhé!

Số điện thoại: 083 389 8088 (Mr. Tiến Anh)

Gmail: lienhe@siolaw.vn

>>> Xem thêm Dịch vụ khác tại Công ty Siolaw